Trước sự bùng nổ của Temu, nhiều quốc gia đã có các biện pháp phòng ngừa khác nhau. Indonesia đã yêu cầu Alphabet và Apple chặn ứng dụng này, cho rằng mô hình kinh doanh kết nối người tiêu dùng trực tiếp với nhà máy Trung Quốc là "cạnh tranh không lành mạnh". Bộ trưởng Truyền thông Indonesia nhấn mạnh rằng việc bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ là ưu tiên hàng đầu.
Temu, thuộc sở hữu của PDD Holdings, ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng sang 82 quốc gia. Nửa đầu năm 2024, nền tảng này đạt 20 tỷ USD giao dịch và trở thành trang thương mại điện tử có lượng truy cập nhiều thứ hai thế giới.
Tại Thái Lan, từ tháng 7/2024, chính phủ áp thuế giá trị gia tăng 7% cho các gói hàng nhập khẩu dưới 1.500 baht, để bảo vệ thị trường nội địa. Nhiều người tiêu dùng kêu gọi cấm Temu vì lo ngại hàng giá rẻ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Tại Đức, Hiệp hội bán lẻ kêu gọi chính phủ siết chặt kiểm soát hải quan để đảm bảo cạnh tranh công bằng. Đảng Dân chủ Xã hội kêu gọi xóa bỏ giới hạn miễn thuế 150 euro để ngăn chặn Temu và Shein.
Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Temu cung cấp thông tin về các biện pháp chống bán hàng bất hợp pháp, trong khi Mỹ xem xét thay đổi quy định miễn thuế đối với kiện hàng nhập khẩu dưới 800 USD, vì lo ngại hàng hóa từ Trung Quốc có thể không tuân thủ quy định.
Temu khẳng định rằng sứ mệnh của họ là cung cấp sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý thông qua mô hình kinh doanh loại bỏ trung gian, và tăng trưởng của họ không phụ thuộc vào quy định miễn thuế.